Tuyến cao tốc đi qua Khánh Hòa – Ninh Thuận – Bình Thuận, chính thức thông xe giúp việc đi lại từ TP.HCM tới các tỉnh thành phố ven biển Nam Trung bộ thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần được đầu tư theo hình thức đối tác công – tư.
Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, với chiều dài 78,5km, đi qua Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Liên danh nhà đầu tư gồm Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Xây dựng Đèo Cả và Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194.
Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã hoàn thành đồng bộ 70km đường, 35 cầu, hai nút giao liên thông, 69km đường gom, 2,25km đường hầm xuyên núi, cùng hệ thống thiết bị, hệ thống ITS… được Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu.
Cục Đường bộ Việt Nam thống nhất Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) là đơn vị quản lý vận hành, bảo trì đảm bảo công trình đưa vào vận hành khai thác an toàn, thông suốt.
Trên tuyến có hầm Núi Vung dài 2,2km, quy mô ba làn xe, bề rộng hầm 14m, giai đoạn 1 sử dụng ống hầm phải, lưu thông hai chiều. Đây là hầm đường bộ lớn thứ tư cả nước sau hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện.
Để thực hiện dự án, liên danh nhà thầu đã phải khắc phục nhiều khó khăn tại nơi có khí hậu nắng nóng quanh năm, phải kéo điện, kéo nước từ những nơi địa hình hiểm trở, phức tạp…
Thời điểm triển khai dự án cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhưng với tinh thần làm việc “xuyên đêm, xuyên lễ tết, xuyên dịch”, Tập đoàn Đèo Cả đã tăng cường tuyển dụng, đào tạo nhân lực địa phương, nỗ lực huy động hàng ngàn nhân sự, máy móc, thiết bị, bố trí các mũi thi công dự án.
Vượt qua “bão dịch” dự án lại đối mặt với “bão giá vật liệu”, ban điều hành dự án đã chủ động đề xuất bổ sung mỏ vật liệu cấp theo cơ chế đặc thù, kết hợp tận dụng đất cải tạo nông nghiệp, sử dụng nguồn đá đào hầm kịp thời phục vụ thi công.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”… liên danh nhà đầu tư Đèo Cả – 194 do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu cùng các nhà thầu thi công từng bước khắc phục khó khăn, áp dụng sáng kiến phương pháp vòm ngược giả để vượt địa chất yếu.
Đồng thời tổ chức thi công khoa học, kiểm soát tiến độ và chi phí dự án bằng công nghệ mới như nhận diện khuôn mặt bằng sinh trắc học để quản lý nhân sự, cân điện tử để kiểm soát vật liệu, công nghệ BIM để quản lý chất lượng, tăng cường các mũi thi công để bù đắp tiến độ.
Sau 30 tháng thi công, cao tốc chính thức được chấp thuận vào ngày 26/4/2024 để phục vụ nhu cầu gia tăng trong dịp lễ.
Đây là tuyến cao tốc có hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transportation System – ITS), trạm dừng nghỉ tạm trên tuyến và đội ngũ quản lý vận hành đã được hoàn thiện đồng bộ cùng công trình.
Trong đó các cụm thiết bị ITS và camera dọc tuyến được bố trí vận hành bằng năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện năng tiêu thụ, tiết giảm chi phí và bảo vệ môi trường.
Hệ thống ITS bao gồm camera giám sát (CCTV) và phát hiện sự cố, hệ thống thông tin vô tuyến UHF và loa phát thanh (PA, truyền dẫn số (DTS), bảng thông tin điện tử và đèn tín hiệu (VMS & SS), Trung tâm điều khiển hầm…
Hệ thống này là một bộ phận của công trình đường bộ cao tốc, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa con người, phương tiện và kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc nhằm tối ưu hóa hiệu suất khai thác, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả, tiện lợi và thân thiện với môi trường, đặc biệt có ý nghĩa trong công tác xử lý các tình huống sự cố.
Hệ thống camera trên tuyến được trang bị hai loại là camera giám sát (CCTV) và camera tích hợp hệ thống phát hiện phương tiện (VDS).
Các loại camera này dùng công nghệ xử lý ảnh AI chuyên dụng tiên tiến bậc nhất ngoài ra còn được hỗ trợ bởi các thiết bị ngoại vi như hồng ngoại, radar.
Các camera PTZ có thể xoay 360 độ, đảm bảo quan sát toàn tuyến không có điểm mù; camera VDS được tích hợp AI có các chức năng như phân loại phương tiện, nhận diện biển số, phát hiện và cảnh báo sự cố như xe đi quá tốc độ, luồng xe tắc nghẽn, xe dừng, đi sai làn, ngược chiều, vật rơi trên đường.
Ngoài ra nhà đầu tư dự án chủ động bỏ kinh phí xây dựng các trạm dừng nghỉ tạm trên tuyến để phục vụ người dân miễn phí trong thời gian chờ Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư xây dựng trạm dừngnghỉ chính thức.
Trạm dừng nghỉ tạm được thi công nước rút trong vòng chỉ 20 ngày, bố trí khu vệ sinh sạch sẽ, kéo điện lưới, lắp đặt điều hoà, khoan giếng nước sâu gần 300m để khắc phục khó khăn về nguồn nước vận hành trạm dừng nghỉ tạm để phục vụ miễn phí cho người dân lưu thông qua tuyến.
Tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo được đưa vào sử dụng, nối thông cao tốc từ TP.HCM đến Nha Trang, giúp giảm một nửa thời gian so với đi quốc lộ 1, góp phần hoàn thiện hệ thống cao tốc Bắc – Nam, tạo sức bật quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho đất nước.